Cấp cứu thành công bệnh nhi lồng ruột bằng phương pháp phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả
(Cập nhật: 14:47 03/12/2024)
Ngày 01/12/2024, khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả tiếp nhận bệnh nhi C.B.C 14 tuổi (Địa chỉ: TT Cái Rồng, huyện vân Đồn, Quảng Ninh).Bệnh nhi vào viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ quanh rốn, nôn, mệt nhiều,… đã được điều trị tại phòng khám tư nhân không đỡ nên gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả.
Sau khi khám, xử lý ban đầu và chỉ định làm xét nghiệm cấp cứu cần thiết cho bệnh nhân C; kết quả xét nghiệm, siêu âm và CT.Scaner có hình ảnh lồng ruột non nhiều vị trí, bạch cầu tăng 32G/l, đường máu tăng 50mmol/l, toan chuyển hóa PH 7,0, rối loạn điện giải, suy thận cấp.
Nhận thấy đây là ca bệnh nặng, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân nếu không hồi sức và phẫu thuật sớm, nguy cơ bệnh nhân hôn mê do toan ceton và sốc nhiễm khuẩn. Vì vậy, kíp cấp cứu đã tiến hành hội chẩnliên chuyên khoa Ngoại, gây mê, hồi sức cấp cứu…và thống nhất chẩn đoán: Lồng ruột non, theo dõi hoại tử ruột/Toan chuyển hóa/Tăng đường huyết/Rối loạn điện giải/Suy thận cấp, có chỉ định phẫu thuật cấp cứu; phương pháp phẫu thuật là nội soi tháo lồng ruột; phương pháp gây mê nội khí quản; đồng thời với việc bù dịch, cân bằng toan kiềm, điện giải và đặc biệt là kiểm soát đường máu bằng insulin nhanh liên tục bơm tiêm điện 5 đơn vị /h.
Ekipkỹ thuật gồm bác sỹ CKI Lý Văn Bằng, bác sỹ Vũ Thái Bảo (các phẫu thuật viên khoa Ngoại), bác sỹ CKI gây mê Hoàng Thị Ngát đã tiến phẫu thuật nội soi tháo lồng. Trong phẫu thuật thấy nhiều khối lồng ruột non từ góc Treitz đến góc hồi manh tràng, nhiều hạch mạc treo nằm dọc theo ruột non,ruột thừa xung huyết kèm sỏi phân gốc ruột thừa. Kíp phẫu thuật đã tiến hành tháo lồng ruột qua nội soi, cắt ruột thừa cho bệnh nhân. Sau mổ bệnh nhi ổn định, được chuyển khoa Hồi sức tích cực và chống độc điều trị tiếp, đặc biệt là điều chỉnh toan kiềm, cân bằng điện giải, theo dõi huyết áp, nước tiểu, kiểm soát đường máu cho bệnh nhân... Sau mổ 24h, sức khỏe bệnh nhi đã hồi phục, trung tiện được, ăn cháo, đỡ đau và sinh hoạt nhẹ nhàng; đường máu được kiểm soát hoàn toàn, chức năng thận trở lại bình thường.
Ekip phẫu thuật: Bác sỹ CKI Lý Văn Bằng, bác sỹ Vũ Thái Bảo, bác sỹ gây mê Hoàng Thị Ngát
Ekip phẫu thuật: Bác sỹ CKI Lý Văn Bằng, bác sỹ Vũ Thái Bảo, bác sỹ gây mê Hoàng Thị Ngát
Bác sĩ CKI Lý Văn Bằng cho biết: Lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng ở trẻ nhỏ. Lồng ruột xảy ra khi một đoạn ruột không ở vị trí bình thường mà lồng vào một đoạn ruột kế cận dẫn đến hiện tượng sưng viêm và cuối cùng là rách hay tắc ruột.Bệnh lồng ruột ở trẻ em diễn biến rất nhanh, nếu không được điều trị kịp thời, ruột sẽ bị hoại tử dẫn đến thủng ruột, gây ra viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng. Việc điều trị lồng ruột không quá phức tạp, tuy nhiên phải đưa trẻ đến các bệnh viện kịp thời. Trường hợpca bệnh này rất hiếm gặp (ở tuổi 14, có chỉ số đường máu rất cao 50mmol/l), được đưa đến bệnh viện muộn trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nhưng đã được các bác sỹ chẩn đoán nhanh, chính xác, phẫu thuật và hồi sức tích cực…nên đã an toàn. Đây là một thành công nữa của Bệnh viện ĐKKV Cẩm Phả, là kết quả của chiến lược đầu tư cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Bệnh viện trong thời gian vừa qua, góp phần quan trọng trong nâng cao năng lực chuyên môn, tự tin và chủ động xử lý cấp cứu các ca bệnh nặng mà không phải chuyển tuyến trên.
Hình ảnh lồng ruột
Hình ảnh lồng ruột
------------------------------
*Dấu hiệu trẻ bị lồng ruột:
Bệnh lồng ruột ít xảy ra ở người lớn và thường gặp là ở trẻ em khoảng từ 1 đến 2 tuổi trở xuống nhưng rất khó phát hiện. Chính vì thế, các bậc phụ huynh không được chủ quan xem thường các dấu hiệu sau:
- Ở giai đoạn đầu khi đang sinh hoạt bình thường, trẻ thấy khó chịu do co thắt dạ dày, sau đó, đột nhiên đau bụng từng cơn. Khi bị cơn đau, trẻ khóc thét, co gối lên ngực, bỏ ăn, bỏ bú; hết cơn đau, trẻ có thể bú lại bình thường, nhưng sau đó vài phút, cơn đau tiếp tục trở lại.
- Tiếp theo là trẻ nôn ói nhiều, lúc đầu là nôn ra dịch trắng sau đó chuyển qua màu vàng hoặc xanh.
- Nếu muộn hơn khoảng 5-6 giờ sau (giai đoạn ruột bị tắc nghẹt nghiêm trọng), trẻ có triệu trứng đi ngoài ra máu tươi có lẫn chút nhầy, có khi còn lẫn cục máu đông. Lúc này, trẻ mệt lả, tiêu chảy, sốt, mất nước. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh chuyển giai đoạn muộn, ruột bắt đầu bị hoại tử; lúc đó, trẻ nôn liên tục; chướng bụng; da lạnh, nhợt nhạt; mạch nhanh, nông; thở nhanh, nông...
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu của lồng ruột, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Tại đây, bác sĩ sẽ khám và cho làm các xét nghiệm, nhất là siêu âm, chụp CT để chẩn đoán chính xác, điều trị cho trẻ kịp thời. Trường hợp trẻ đến muộn phải mổ cấp cứu do đoạn ruột của trẻ đã chui sâu vào bên trong gây tắc ruột, phù nề và hoại tử, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ.