Bộ y tế công bố 10 sự kiện y tế năm 2020.
Kỷ niệm 59 năm ngày Dân số Việt Nam 26/12
Ngày 25/12/2020, tại TP. Hạ Long, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh tổ chức kỷ niệm 59 năm ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961 – 26/12/2020). Tới dự có đồng chí Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế cùng cán bộ dân số đã nghỉ hưu qua các thời kỳ.
Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế tặng hoa chúc mừng Chi cục Dân số - KHHGĐ nhân dịp 59 năm ngày dân số Việt Nam 26 - 12.
Tại lễ kỷ niệm 59 năm ngày dân số Việt Nam, cán bộ Chi cục và cán bộ dân số đã nghỉ hưu qua các thời kỳ đã ôn lại những dấu mốc quan trọng của ngành Dân số. Trong năm 2020, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực; số gia đình có một hoặc hai con ngày càng phổ biến; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên được kiểm soát và từng bước ổn định, giảm từ 11,21% năm 2016 xuống còn 10,06% năm 2020; mức sinh bình quân giảm từ 0,2% năm 2016 xuống còn 0,01% năm 2020;…
Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại buổi kỉ niệm.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế ghi nhận sự đóng góp to lớn của cán bộ dân số qua các thời kỳ và gửi lời tri ân sâu sắc tới những cán bộ làm công tác Dân số đã tạo cơ sở, đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp Dân số - KHHGĐ của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Đồng chí nhấn mạnh dân số không chỉ là vấn đề của địa phương, của ngành y tế mà còn là vấn đề của toàn xã hội, không chỉ liên quan đến chất lượng cuộc sống mà còn có tác động đến chất lượng dân số quốc gia. Sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy, mặc dù có nhiều thay đổi trong hệ thống tổ chức nhưng đội ngũ cán bộ dân số luôn nỗ lực công tác và duy trì, giữ vững thành quả đã đạt được.
Ảnh lưu niệm giữa cán bộ Chi cục Dân số - KHHGĐ và cán bộ ngành dân số qua các thời kỳ.
Trong giai đoạn tiếp theo, các cán bộ Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh nỗ lực huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, nhất là chính quyền cơ sở để chủ động hoàn thành các chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025 như duy trì mức sinh hợp lý; giảm chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh; chăm sóc người cao tuổi,…
Minh Khương - Thanh Nga (CDC Quảng Ninh) -
Mùa lạnh, nên phòng bệnh như thế nào?
Suckhoedoisong.vn - Mùa lạnh, người cao tuổi cần tìm mọi cách để không bị nhiễm lạnh và áp dụng các biện pháp phòng bệnh đơn giản nhất, dễ thực hiện nhất.
Mùa lạnh, người cao tuổi (NCT) dễ mắc một số bệnh (bệnh hô hấp, xương khớp, tim mạch, tiêu hóa...). Vì vậy, NCT cần tìm mọi cách để không bị nhiễm lạnh và áp dụng các biện pháp phòng bệnh đơn giản nhất, dễ thực hiện nhất.
Một số bệnh thường gặp khi mùa lạnh đến
Thời tiết thay đổi, đặc biệt là những ngày giá lạnh, nhiệt độ xuống thấp dưới 150C, đặc biệt là ngày xuống dưới 100C, NCT có một số bệnh sẽ xuất hiện hoặc tái phát nhất là người sức yếu. Những ngày gần đây thời tiết ở nước ta luôn thay đổi, ở một số tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều ngày đã có băng tuyết; ở một số tỉnh phía Nam, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về đêm nhiệt độ cũng đã giảm xuống dưới mức bình thường.
Nhiệt độ giảm, đặc biệt là lạnh, nếu không đủ ấm, một số NCT sẽ xuất hiện hoặc tái phát các bệnh về đường hô hấp (viêm họng, mũi, viêm xoang, viêm phế quản, giãn phế quản, khí phế thũng), đặc biệt là bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nhiệt độ càng giảm, thời tiết càng lạnh thì bệnh hen suyễn càng nặng, đặc biệt là những người tuổi cao, sức khỏe giảm sút thêm vào đó là ăn uống không đảm bảo, mặc không đủ ấm. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (CODP) khi giá rét cũng sẽ rất dễ tái phát và tăng nặng. Cả 2 loại bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là mối đe dọa đến tính mạng người bệnh mỗi khi đông đến, mưa nhiều, rét đậm.
Một điều cần lưu ý là khi bị viêm phế quản, viêm phổi cấp tính, NCT sức yếu thân nhiệt thường không tăng cao như người trẻ tuổi nên dễ nhầm là bệnh nhẹ. Bệnh viêm mũi, họng là một bệnh có thể gặp quanh năm nhưng vào mùa đông, giá lạnh, NCT hay gặp nhất, các biểu hiện như: hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi nước; đau rát họng, ho, tức ngực, có khi gây khó thở. Mùa đông giá rét, một số người nghiện thuốc lá, thuốc lào thường hút tăng lên cho đỡ rét thì bệnh lại càng tăng nặng. Thuốc lá, thuốc lào khi hít vào đường hô hấp sẽ làm tổn thương các nhu mô phổi (tổ chức phổi) do đó làm tăng nguy cơ bội nhiễm. Thêm vào đó môi trường ô nhiễm, nhiều bụi, khói của bếp than, bếp củi, bếp dầu, nhà ở chật chội, không thông thoáng, cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho NCT dễ mắc các bệnh đường hô hấp nhất là vào mùa đông lạnh giá.
Một số bệnh về tim mạch ở NCT cũng sẽ gia tăng mỗi khi mùa đông đến, trong đó cần đặc biệt lưu ý bệnh tăng huyết áp kịch phát mỗi khi lạnh đột ngột do mặc không đủ ấm, phòng ngủ không kín gió, chăn, đệm không đủ chống rét, tắm nước lạnh. Bệnh đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cũng luôn rình rập NCT mỗi khi giá rét, mưa nhiều. Mùa đông đến cũng làm cho các bệnh về xương khớp ở NCT gia tăng hoặc tái phát như: thoái hóa, đau và xơ cứng khớp gối, khớp bàn tay, cổ tay, khớp cột sống thắt lưng. Thoái hóa khớp và cứng khớp vào mùa đông giá rét làm cho người bệnh khó vận động, đau nhức, giấc ngủ không yên, vì vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Một số bệnh về đường tiêu hóa như: bệnh dạ dày, viêm đại tràng mãn tính, viêm đại tràng co thắt (hội chứng ruột kích thích) cũng là những bệnh khi giá lạnh thì xuất hiện hoặc tái phát làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe NCT.
Những người cao tuổi đã có bệnh về đường hô hấp mãn tính nên đi khám bệnh định kỳ.
Phòng bệnh như thế nào?
Trong những ngày giá rét, nhất là các tỉnh phía Bắc nước ta, thời tiết lạnh, có khi nhiệt độ xuống thấp dưới 100C, đó là những lý do làm cho người cao tuổi mắc phải một số bệnh phải nhập viện. Hầu hết bệnh nhân NCT vào viện trong tình trạng bệnh nặng, phải cấp cứu do sức đề kháng và tính chịu đựng với lạnh kém. Vì vậy, để phòng bệnh thì NCT trong mùa lạnh, cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa, nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm. Nếu cần thiết phải ra khỏi nhà thì phải mặc quần áo ấm, đi tất, găng tay, cổ quàng khăn ấm, đeo khẩu trang và nên đội mũ len.
NCT có thể vẫn tập thể dục hoặc đi lại, vận động thân thể ở trong nhà, không nên ra khỏi nhà khi thời tiết còn lạnh giá. Khi thời tiết lạnh quá, ở trong phòng có thể được sưởi ấm tùy thuộc vào điều kiện của từng người, nhưng hết sức thận trọng với bếp than củi, than đá vì rất nhiều khí độc thải ra, do đó phải sưởi trong phòng thông gió tốt, tránh ứ đọng khói, khí độc. Với gia đình có điều kiện thì nên sưởi bằng lò sưởi, quạt sưởi điện. Sưởi ấm bằng hình thức nào cũng phải đề phòng bỏng, cần lưu ý với NCT có rối loạn về nhận thức và hành vi. Thời tiết lạnh giá nhưng NCT cũng có thể tắm, rửa bằng nước ấm trong buồng tắm kín gió; tắm xong phải lau khô người và nhanh chóng mặc quần áo thật ấm. Những trường hợp có bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, bệnh xương khớp, những ngày nhiệt độ giảm xuống thấp nên hạn chế tắm, chỉ nên lau người và rửa tay, chân bằng nước ấm. Cần vệ sinh họng, miệng hằng ngày bằng cách đánh răng đều đặn sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy, súc họng bằng nước muối nhạt, tốt nhất là dùng loại nước muối sinh lý có bán sẵn ở các quầy dược phẩm.
Những trường hợp dùng răng giả cần vệ sinh răng giả thật sạch sẽ không để bám dính nhiều cặn, thức ăn làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi sinh vật. Cần bỏ thuốc lá, thuốc lào nhất là những người cao tuổi đã bị các bệnh đường hô hấp mãn tính Cần ăn, uống đủ lượng và chất, tránh bỏ bữa. Thức ăn, nước uống cần nóng và tránh dùng các loại có tính chất kích thích như: rượu, bia, cà phê.
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU - https://suckhoedoisong.vn/mua-lanh-nen-phong-benh-nhu-the-nao-n91187.html
Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm phổi ở người lớn, nhấn mạnh việc tiêm phòng
Tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn” được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước. Hướng dẫn được xây dựng với sự tâm huyết và nỗ lực của các chuyên gia hàng đầu có kinh nghiệm về quản lý, lâm sàng, giảng dạy của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Theo Hướng dẫn, viêm phổi mắc phải cộng đồng (VPMPCĐ) là bệnh lý hô hấp thường gặp, nằm trong nhóm nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới. Bệnh cảnh lâm sàng VPMCĐ ở nhiều mức độ khác nhau, từ những ca bệnh nhẹ có thể điều trị ngoại trú đến các ca bệnh nặng với suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, gây tử vong.
VPMPCĐ có nhiều triệu chứng lâm sàng tương đồng với các bệnh lý hô hấp khác nên bệnh cần được chẩn đoán phân biệt với nhiều bệnh lý hô hấp khác nhau. Việc chẩn đoán sớm và chính xác giúp tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh. Mặc dù ngày nay đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị VPMPCĐ nhưng tỷ lệ tử vong còn cao.
Hướng dẫn gồm 6 chương, bao gồm:
- Tổng quan VPMPCĐ;
- Các nguyên nhân gây bệnh và các phương pháp vi vinh chẩn đoán;
- Chẩn đoán VPMPCĐ;
- Dược lý lâm sàng sử dụng kháng sinh hợp lý trong điều trị VPMPCĐ;
- Điều trị VPMPCĐ;
- Phòng bệnh VPMPCĐ
Biện pháp phòng bệnh cần biết
Đặc biệt, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn nêu rõ, các biện pháp dự phòng chung gồm:
Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, răng miệng.
Điều trị quản lý tốt bệnh lý nền của bệnh nhân: Đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh gan thận mạn tính.
Loại bỏ những kích thích có hại: thuốc lá, thuốc lào, bia rượu.
Giữ ấm cổ ngực trong mùa lạnh.
Gây miễn dịch bằng tiêm chủng vắc xin chống virus, vi khuẩn.
Tiêm phòng cúm
Cúm A và B là cúm mùa, gây ra các vụ dịch trongnhững năm gần đây, H5N1, H1N1, H7N9... Do virus úm mùa có khả năng đột biến gen cao, vì vậy tiêm phòng cúm hàng năm đóng vai trò quan trọng ngăn ngừa nhiễm cúm.
Tiêm phòng cúm đóng vai trò quan trọng trong việc phòng bệnh viêm phổi, đặc biệt là ở người lớn tuổi có suy giảm miễn dịch. Tiêm phòng cúm được khuyến cáo ở những người trên 50 tuổi, bệnh nhân có bệnh lý tim và phổi mạn tính, đái tháo đường, suy thận nặng hoặc suy giảm miễn dịch.
Cai thuốc lá
Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động được chứng minh là yếu tố nguy cơ của VPMPCĐ. Mặt khác, chúng ta biết rằng hút thuốc gây ra những thay đổi về hình thái biểu mô của niêm mạc phế quản, suy giảm tế bào lông chuyển và tế bào tiết nhầy, tạo điều kiện cho sự xuất hiện và lây lan của vi khuẩn trên niêm mạc phế quản.
Trong cai thuốc lá, việc tư vấn cho người bệnh đóng vai trò then chốt, các thuốc hỗ trợ cai giúp người bệnh cai dễ dàng hơn.
Những điểm cần nhớ để dự phòng VPMPCĐ:
- Giữ ấm cổ ngực trong mùa lạnh, loại bỏ kích thích có hại: rượu bia, thuốc lá
- Tiêm phòng cúm 1 năm/lần ở người > 50 tuổi, chỉ định ở người mắc bệnh lý tim phổi mạn tính, đái tháo đường, suy thận nặng, suy giảm miễn dịch.
Mời bạn đọc xem chi tiết Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn dưới đây:
File đính kèm: qd-ban-hanh-viem-phoi-cong-dongsigned1606051810.pdf
https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-huong-dan-chan-doan-dieu-tri-viem-phoi-o-nguoi-lon-nhan-manh-viec-tiem-phong-n183185.html
Các bài khác...
- Tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh
- Mới: Người dân có thể đóng BHXH 24/7 trên Cổng giao dịch điện tử của BHXH Việt Nam
- Sở Y tế và BHXH tỉnh ký kết quy chế phối hợp thực hiện chính sách BHYT
- CẢNH BÁO TÌNH TRẠNG NGƯỜI DÂN LẠM DỤNG CORTICOID TỰ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH LÝ XƯƠNG KHỚP, NỘI TIẾT...