KỊP THỜI PHẪU THUẬT CẤP CỨU SẢN PHỤ SINH NON BỊ SA DÂY RỐN
04:21 13/05/2022
Sa dây rốn là một cấp cứu hàng đầu vì gây suy thai cấp do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hoặc do khi bị sa ra ngoài âm đạo, việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ do co thắt của các mạch máu dây rốn.
Ngày 27/5/2022, Khoa Phụ Sản, Bệnh viện ĐKKV Cẩm Phả tiếp nhận điều trị sản phụ Đặng Thị P.T (40 tuổi) trú tại P.Mông Dương đang mang thai lần 3, được 33 tuần 2 ngày, ngôi ngang, với triệu chứng ra máu âm đạo, theo dõi rau tiền đạo bám mép, sa dây rau, suy dinh dưỡng bào thai. Bệnh nhân được dùng thuốc và theo dõi chặt chẽ.
Đến 5h20 ngày 7/6/2022, sản phụ vỡ ối, cổ tử cung mở lọt 2 ngón tay, sờ thấy dây rau trong âm đạo còn đập. Ngay lập tức, sản phụ được chuyển phẫu thuật cấp cứu lấy thai. Trong phẫu thuật, sản phụ mất máu ít, các dấu hiệu sinh tồn tốt. Em bé ổn định, được 1500 gr, tiếp tục được chuyển Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh theo dõi, chăm sóc. Sản phụ Th. tiếp tục được chăm sóc, phục hồi sức khỏe tại khoa Phụ sản – Bệnh viện ĐKKV Cẩm Phả. Đến 10/6/2022, người mẹ đã được ra viện, tiếp tục chăm sóc em bé tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh.
Sa dây rốn là tình trạng mà dây rốn nằm dưới hoặc nằm bên ngôi thai. Lúc này dây rốn sẽ sa xuống cổ tử cung, chui vào trong âm đạo trước cả thai nhi. Điều này khiến cho dây rốn bị chèn ép giữa thành xương chậu và ngôi thai.
Sa dây rốn là một cấp cứu hàng đầu vì gây suy thai cấp do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hoặc do khi bị sa ra ngoài âm đạo, việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ do co thắt của các mạch máu dây rốn.
Những trường hợp sản phụ có nguy cơ gặp phải tình trạng sa dây rốn như sau: Mang song thai hoặc đa thai; Ngôi thai bất thường: ngôi ngang, ngôi mông; Dây rốn bám rìa dưới; Tử cung bất thường, nhau thai bám thấp; Sinh quá nhiều lần; Người có khung chậu hẹp hoặc khung chậu méo; Dây rốn quá dài; Vỡ ối đột ngột.
Cho đến nay cũng chưa có biện pháp cụ thể nào để ngăn ngừa hiện tượng sa dây rốn. Sản phụ cần khám thai định kỳ để phát hiện các yếu tố nguy cơ, kịp thời cấp cứu khi có bất cứ bất thường nào về sức khỏe của bản thân và thai nhi.
Hình ảnh mô tả hiện tượng sa dây rốn (t/k)
Đánh giá bài viết: